Khi vào đại học, tôi học ở đầu bên này thành phố, Yên học đầu bên kia thành phố, ít gặp nhau hơn và bớt dần liên lạc. Một phần vì guồng quay vội vã của cuộc sống, phần khác là mỗi người trong chúng ta khi trưởng thành và lớn lên, sẽ có nhiều thứ ít nhiều thay đổi và mất đi như: tính cách, sở thích, thói quen,... Tình bạn và tình yêu cũng chẳng thể là ngoại lệ. Thi thoảng về quê gặp lại, thì cũng là đứa này vừa về còn đứa kia chuẩn bị đi. Thấy nhau cười cười, hàn huyên đôi ba câu, khách sáo nói: "Tạm biệt, lần sau gặp lại!".
Nhưng cái "lần sau ấy" là một khoảng thời gian vô hạn định, như hòn đá nhỏ rơi tõm xuống mặt hồ, không một tiếng động. Tôi ngỡ mình đã hết yêu Yên, tôi không còn nhớ cô quay quắt, những kỉ niệm thanh xuân phai mờ như lớp sương mỏng đậu trên bề mặt cửa kính. Nhưng lạ thay, tôi cũng chưa yêu một ai khác hoặc là chưa có ai khác khiến tôi thực sự rung động. Hóa ra là, đôi khi, nỗi nhớ cũng bị giấu vào trong, vì quá yêu nên cuối cùng tâm cũng trở nên bất động.
***
Năm tôi và Yên hai mươi tư tuổi, tròn mười một năm quen nhau, Yên gửi cho tôi tấm thiệp cưới kèm theo một hộp quà nhỏ. Yên để lại lời nhắn: "Nếu Nguyên mở thiệp cưới trước, thì phải hứa với mình, hôm cưới Yên, Nguyên phải tặng Yên một triệu bông hồng. Còn nếu Nguyên mở hộp quà trước, thì chỉ cần đem theo một bông hồng xanh là đủ".
Khi ấy tôi chán nản đến mức, chẳng thèm nghĩ ngợi nhiều mà mở ngay hộp quà trước. Cô ấy đã cưới chồng vì sao còn bắt tôi tặng một triệu bông hồng, như một thằng si tình dở hơi chứ.
Trong chiếc hộp, có một xấp giấy, không phải thư tay mà là những tờ giấy được giật ra từ sách giáo khoa, màu đã ố vàng. Trên mỗi tờ giấy đều có nét chữ của Yên để lại. Yên có thói quen trong lúc ngồi đọc sách hoặc học bài, thường ghi chép lại một vài điều vụn vặt chớp qua trong nháy mắt vào sau những trang sách cuối cùng. Yên bảo: "Một vài năm sau, vô tình lật lại một quyển sách nào đó đã cũ và lấm lem bụi bặm bỗng dưng thấy đâu đó những cảm xúc rụng rơi, thoáng qua trong đời, cảm giác ấy thật tuyệt, như thể bạn đang được sống lại một khoảnh khắc rất ngắn của ngày hôm qua vậy". Nhưng bao giờ viết xong, Yên cũng xé chúng ra và cất ngay đi, khiến tôi chưa một lần có cơ hội xem qua. Cớ gì nhiều năm sau, cô lại gửi chúng cho tôi? Tôi nhấc tờ giấy đầu tiên lên, đưa lại gần ánh sáng, nheo nheo mắt đọc.
"Ngày 30/9/20..., thời điểm ấy, trời bắt đầu vào thu. Từ cửa lớp học nhìn ra có thể thấy màu vàng biếc mắt của những chùm hoa keo lá tràm run nhẹ trong gió, thở ra mùi thơm thanh an và khiết lành, tản mản trong không gian mà phải thính mũi lắm mới cảm nhận được. Bất giác nhớ lại, hồi hôm, trong giờ học ngữ văn, khi cô giáo yêu cầu đọc diễn cảm một bài thơ em yêu thích, người con trai ấy đứng chếch chiều nắng, cất giọng đọc bài thơ Mùa lá rụng bằng tiếng Nga. Giọng cậu ấy thật tuyệt, trong trẻo như tiếng mưa rơi đầu mùa hạ".
Phảng phất như thời gian đảo ngược, tôi ngỡ mình vẫn đang đứng trong lớp học ở trường cấp hai, vào một buổi chiều hoàng hôn, trời vàng sậm, đọc một bài thơ mà ông nội dạy tôi từ hồi ông còn sống vẫn thường hay mơ tưởng về nước Nga, về mối tình đầu đã theo mùa lá rụng đi mãi của ông. Bất giác những trang giấy mỏng dính trên tay, trở nên quá đỗi nặng nề.
"Ngày đổi chỗ, tôi cầm một cọng cỏ bốn lá (thực ra ban đầu nó chỉ có ba lá, tôi cố tình xé một cánh ra làm bốn) cầu mong cô giáo sẽ xếp cậu ấy ngồi cùng tôi, không ngờ lại thành sự thực. Tôi bối rối không biết làm cách nào để bắt chuyện với cậu ấy. Cuối cùng chọn cách ngu ngốc nhất, vẽ một đường phấn chia đôi cái bàn, còn gân cổ cấm cậu ấy lấn sang. Vào năm mười ba tuổi, đứng trước mặt người con trai mình yêu thích, tôi chưa biết làm điệu, chưa biết thẹn thùng, mà luôn cố tỏ ra hung dữ và đanh đá, để cậu ấy nhớ đến mình. Khi ấy cũng biết rằng ấn tượng đầu đời rất quan trọng, nhưng lại chẳng biết làm cách nào để trang trí cho nó trở nên thật đẹp đẽ".